Bộ môn Vật liệu Xây dựng

Đội ngũ cán bộ Bộ môn Vật liệu xây dựng

Bộ môn Vật liệu Xây dựng được thành lập năm 1977 (thuộc khoa Xây dựng), đến năm 1988 sát nhập vào bộ môn Cơ sở kỹ thuật xây dựng (thuộc khoa Xây dựng và 1995 thuộc khoa Xây dựng cầu đường). Năm 2009 bộ môn Vật liệu Xây dựng được thành lập lại.
Hiện nay đội ngũ cán bộ của bộ môn gồm 7 giảng viên ( gồm 2 TS, 3 ThS, 1 NCS, 1 HV cao học) và 1 kỹ sư phụ trách phòng thí nghiệm.

Phụ trách học phần:

  • Vật liệu Xây dựng và Thí nghiệm VLXD cho tất cả các lớp khối ngành Xây dựng toàn trường.
  • Phụ trách các học phần của ngành Công nghệ kỹ thuật Vật liệu xây dựng gồm: Lý thuyết, thí nghiệm, thực tập công nhân, thực tập nhận thức, thực tập tốt nghiệp, đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp.
  • Tổ chức và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Từ năm 2007, bắt đầu mở ngành Vật liệu và Cấu kiện xây dựng, nay là Công nghệ kỹ thuật Vật liệu xây dựng với số lượng 50-70 sinh viên hàng năm. Mục tiêu đào tạo của ngành là: Đào tạo Kỹ sư đủ năng lực làm việc, nghiên cứu, sáng chế, thiết kế công nghệ và điều hành dây chuyền sản xuất Vật liệu và Cấu kiện Xây dựng. Nghiên cứu, thiết kế, thi công, kiểm định các công trình thuộc lĩnh vực Xây dựng: Dân dụng & Công nghiệp, Cầu, Đường, Công trình thuỷ…, cũng như chuyên sâu trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng.

Đây là ngành được đào tạo đầu tiên ở miền Trung (sau ĐH xây dựng HN và ĐHBK TP HCM) nên bước đầu gặp nhiều khó khăn về nhận thức của xã hội với nghề nghiệp, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đội ngũ giảng viên. Đến nay với sự nỗ lực của Bộ môn, sự quan tâm của Khoa, Trường, những khó khăn dần dần được khắc phục, công tác đào tạo đang đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Đến nay đã có 4 khóa tốt nghiệp, với 150 tân kỹ sư đã được nhận bằng, khoảng 90% sau 6 tháng đã có việc làm ổn định, phù hợp với ngành nghề được đào tạo, được các cơ sở tiếp nhận đánh giá tốt. Có 6 em học Thạc sỹ (3 em đã tốt nghiệp), 5 em là giảng viên của các trường đại học, 4 em đã tốt nghiệp kỹ sư bằng hai.

Phòng thí nghiệm Vật liệu Xây dựng của bộ môn có trang thiết bị khá đầy đủ, trong đó có nhiều loại thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu cho công tác đào tạo và triển khai nghiên cứu, kiểm định đánh giá chất lượng vật liệu, cấu kiện và chất lượng công trình. Hàng năm triển khai cho gần 1000 sinh viên các ngành xây dựng thí nghiệm Vật liệu xây dựng, 50 -70 sinh viên chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng thí nghiêm môn học và nghiên cứu thực nghiệm, về: Bê tông nhựa, Công nghệ bê tông, Vật liệu gốm xây dựng, Kiểm định và đánh giá chất lượng công trình.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Bộ môn được phát triển mạnh. Hàng năm có nhiều đề tài NCKH cấp trường, ĐHĐN, tham gia các hội nghị khoa học, nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Sinh viên các lớp chuyên ngành hàng năm có nhiều đề tài NCKH tham gia hội nghị NCKH sinh viên và đạt nhiều thành tích : giải khuyến khích Tài năng khoa học trẻ toàn quốc (2012), giải Nhất ĐH Đà Nẵng (2012, 2014), giải Nhì trường ĐH Bách Khoa (2016), …

Định hướng phát triển của Bộ môn trong thời gian tới:

  • Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và hướng dẫn thực hành đáp ứng nhu cầu cho công tác đào tạo và định hướng của Nhà trường trở thành “đại học nghiên cứu”.
  • Nghiên cứu, hiệu chỉnh mục tiêu và chương trình đào tạo ngành Vật liệu và Cấu kiện xây dựng đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn “công nghiệp hoá” của đất nước.
  • Mở rộng và tăng cường Hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
  • Nâng cao chất lượng giảng dạy, biên soạn hoàn chỉnh các bài giảng, giáo trình các học phần chuyên ngành mới, tài liệu hướng dẫn đồ án, thí nghiệm.
  • Đẩy mạnh công tác NCKH và chuyển giao công nghệ, kết hợp với các cơ sở sản xuất để ứng dụng các loại sản phẩm nghiên cứu đó vào các công trình.
  • Tăng cường số lượng sinh viên chuyên ngành tham gia nghiên cứu khoa học.
  • Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hành thí nghiệm đáp ứng ngày càng cao công tác đào tạo, nghiên cứu và phục vụ sản xuất. Phát huy năng lực của phòng thí nghiệm để tham gia vào công tác kiểm định và đánh giá chất lượng vật liệu, chất lượng công trình.
  • Hy vọng với truyền thống đoàn kết, vượt mọi khó khăn, trong thời gian tới Bộ môn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xây dựng tập thể ngày càng lớn mạnh, góp phần vào sự nghiệp đào tạo của Khoa và Nhà trường.

Trưởng bộ môn

TS. Huỳnh Phương Nam