29 C
Turan
HomeKhoa học Công nghệHội thảo “Hạ tầng giao thông Việt Nam với phát triển bền...

Hội thảo “Hạ tầng giao thông Việt Nam với phát triển bền vững”

Vào ngày 17/8/2013 tại Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Hạ tầng giao thông Việt Nam với phát triển bền vững” .

“Hội thảo đánh dấu cột mốc 30 năm xây dựng và phát triển của Khoa Xây dựng Cầu Đường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; đồng thời cũng là diễn đàn để các nhà khoa học đầu ngành trong nước đóng góp các kinh nghiệm, giới thiệu các báo cáo khoa học tâm huyết góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững hạ tầng giao thông của đất nước.

Đặc biệt, đối với TP Đà Nẵng, địa phương trở thành hiện tượng của cả nước với các công trình hạ tầng bề thế, hoành tráng vừa làm đẹp cảnh quan TP, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm các mục tiên an sinh; chúng tôi những cán bộ giảng dạy của Đại học Bách khoa– Đại học Đà Nẵng, cùng giới khoa học chuyên ngành, rất muốn đóng góp, hiến kế để Đà Nẵng hướng đến phát triển bền vững. Đó cũng là lý do tổ chức, là mục tiêu mà Hội thảo “Hạ tầng giao thông Việt Nam với phát triển bền vững” hướng đến – PGS TS Phan CaoThọ, Phó Trưởng Ban đào tạo sau Đại học, Nguyên Trưởng khoa Xây dựng cầu Đường, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chia sẻ với ictdanang.

PGS.TSLê Kim Hùng, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng, trong diễn văn khai mạc Hội thảo cũng nhấn mạnh: “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế, là tiền đề hình thành và thúc đẩy quá trình hội nhập, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.”

Các năm gần đây Hạ tầng giao thông Việt Nam được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chúng ta đã từng bước khôi phục, nâng cấp và ngăn chặn được sự xuống cấp của hàng loạt các công trình cũ, yếu, bên cạnh đó nhiều công trình có qui mô và tiêu chuẩn kỹ thuật cao đã được xây dựng mới. Hệ thống hạ tầng giao thông đã phát huy hiệu quả khai thác, góp phần quan trọng làm tăng trưởng nền kinh tế quốc dân, phục vụ mục đích xóa đói giảm nghèo, các nhu cầu dân sinh và phát triển quan hệ đối ngoại trong khu vực và quốc tế.


PGS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Với mục đích tạo một cơ hội gặp gỡ để các Nhà khoa học và các Chuyên gia trong lĩnh vực Hạ tầng giao thông Việt Nam có thể trao đổi, trình bày các kết quả nghiên cứu đạt được; các kinh nghiệm trong thực tế; các yêu cầu và đòi hỏi trong chiến lược xây dựng và phát triển bền vững Hạ tầng giao thông. Qua đó tìm được tiếng nói chung, các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững hạ tầng giao thông của đất nước.

Được biết, đã có 47 bài viết, báo cáo khoa học được Ban Tổ chức chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo (ISBN 978-604-82-0019-0, NXB Xây dựng). Tác giả các bài viết đều là các chuyên gia trong lĩnh vực Qui hoạch, XD, Địa kỹ thuật và Hạ tầng Giao thông; các GS, PGS và các giảng viên đến từ các Viện, các trường Đại học trong cả nước như Viện Địa Kỹ Thuật; Hội cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt nam; Viện kỹ thuật Công trình đặc biệt, Học viện Kỹ thuật quân sự; Trường Đại học Xây dựng; Khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh; Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Khoa học Huế, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng…; Các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực Xây dựng Hạ tầng Giao thông (Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Nền móng Phú Sĩ; Ban điều hành dự án Cảng Quốc tế Cái mép – Thị vải; Công ty Cổ Phần phát triển địa ốc Cienco 5 Land,..).

Đặc biệt còn có sự tham gia của các GS đến từ Trường Đại học Yokohama (Nhật Bản) trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa 2 trường về Quản lý rủi ro các công trình hạ tầng ở miền Trung VN.

Nội dung các bài viết, báo cáo khoa học hết sức phong phú:

– Các nghiên cứu và kinh nghiệm trong công tác thiết kế, qui hoạch giao thông và Kỹ thuật giao thông;
– Các nghiên cứu và kinh nghiệm trong khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu trong công tác Địa kỹ thuật công trình ;
– Các nghiên cứu về công nghệ và Vật liệu mới trong xây dựng công trình giao thông ;
– Các nghiên cứu về cơ học công trình giao thông.

Hội thảo đã làm việc trọn ngày với các phiên thảo luận chung và thảo luận, sinh hoạt cấp Tiểu ban gồm Tiểu ban 1: Địa Kỹ Thuật Công Trình ; Tiểu ban 2: Kỹ Thuật Giao thông và Tiểu ban 3: Cơ học và vật liệu. Tại phiên thảo luận chung cũng như tại 3 tiểu ban, đã có 34 bài báo (trên tổng số 47 bài) được chọn trình bày báo cáo trực tiếp.

latest articles

explore more