32 C
Turan
HomeTin tức - Sự kiệnBản tin chuyên ngànhPhương án cải tạo, xây mới cầu Long Biên: Gắn kết giữa...

Phương án cải tạo, xây mới cầu Long Biên: Gắn kết giữa bảo tồn và phát triển

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan về việc cải tạo cầu Long Biên với 3 phương án. Cả 3 phương án đều đề cập tới việc xây dựng cầu mới ở vị trí tim cầu hiện tại. Ngay lập tức, ý tưởng này đã bị nhiều chuyên gia phản đối bởi đây là cây cầu đã có hơn trăm năm tuổi, là một di sản văn hóa – kiến trúc cần được bảo tồn. Chánh văn phòng – người phát ngôn của UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành khẳng định: Quan điểm chung của TP là phải gắn kết giữa bảo tồn và phát triển. Thành phố sẽ cùng với Bộ GTVT cân nhắc kỹ các phương án để đáp ứng được yêu cầu này.

Cầu Long Biên - Một di sản sống trong lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Xuân Hải
Cầu Long Biên – một di sản văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn.

Cầu Long Biên -Di sản đặc biệt

Trong Văn bản số 1156/BGTVT-KHĐT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Tháng 10-2013, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 7977/UBND-QHXDGT đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến hai đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có và xây dựng cầu đường sắt cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên. Từ cơ sở nghiên cứu của ĐSVN, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án. Tuy nhiên, cả 3 phương án này đều có điểm chung là phải xây cầu mới ở vị trí tim cầu hiện tại. Qua so sánh tổng hợp các phương án cho thấy phương án 1 có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc, bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như về giải phóng mặt bằng.

Ngay khi đề xuất này được công bố, nhiều chuyên gia đã bày tỏ phản đối việc phá dỡ cầu Long Biên. KTS Ngô Doãn Đức – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cầu Long Biên là một di sản sống, là một dấu ấn không thể thiếu trong lịch sử phát triển của đô thị Hà Nội. Chúng ta phải giữ nguyên hiện trạng và bảo tồn cây cầu này như một phần máu thịt của Hà Nội. Di dời hay đưa nó thành bảo tàng đều làm biến dạng di sản của ông cha. Đánh mất nó là đánh mất một di sản mà không gì có thể mua lại được.

Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội – nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, phải đánh giá những giá trị, ý nghĩa của cầu Long Biên như thế nào thì chúng ta mới ứng xử một cách phù hợp và có văn hóa. Các giá trị tiêu biểu của cầu Long Biên là di sản về kiến trúc, là minh chứng cho một thời kỳ phát triển mạnh của Hà Nội và là chứng nhân cho những mốc sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Về kiến trúc, cây cầu này có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo mà trên thế giới hiện chỉ còn 4 công trình như vậy, trong đó có tháp Eiffel (Pháp). Về lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu Long Biên đã từng chứng kiến những thời khắc lịch sử của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội cũng như những hình ảnh có tính chất bước ngoặt của dân tộc. Xã hội càng phát triển, càng văn minh thì con người càng thấy việc bảo tồn các di sản có ý nghĩa rất quan trọng…

Nhiều ý kiến khác nhấn mạnh, cây cầu này đã trở thành biểu tượng của sự trường tồn, của vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội. Nếu chỉ vì áp lực giao thông, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xác định vị trí, đầu tư xây dựng một cây cầu mới khác như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân… đã và đang được triển khai.

Phải gắn kết giữa bảo tồn và phát triển

Cầu Long Biên - một di sản văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn.Ảnh: Khôi Nguyên
Cầu Long Biên – một di sản văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn.

Liên quan đến vấn đề này, Ông Trần Thiện Cảnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT – đơn vị chịu trách nhiệm lập phương án xây dựng cầu cho biết: Cây cầu này hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng và chưa có phương án xử lý triệt để. Đây cũng là nguyên nhân chính cản trở tiến độ dự án tuyến đường sắt số 1 đã được phê duyệt từ năm 2005. Sở dĩ chọn vị trí xây cầu mới trùng với cầu Long Biên hiện tại bởi đây là một vị trí đắc địa. Khoảng cách giữa hai bờ sông ở khu vực này ngắn nhất, diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất và đặc biệt không ảnh hưởng nhiều đến đô thị lõi của khu phố cổ. Ngoài ra, về mặt hướng tuyến cũng tương đối phù hợp với quy hoạch của tuyến đường sắt số 1 xuyên qua Hà Nội. Kết nối giao thông thuận lợi do tận dụng được các đường giao thông hai đầu cầu hiện có. Bên cạnh đó, việc nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long – Thượng Đình) thuận tiện hơn các phương án khác. Tuy vậy, nếu chọn phương án này phải chấp nhận một thực tế là không thể giữ nguyên bản cầu Long Biên mà phải có những thay đổi nhất định về độ cao và kết cấu khi phải gia cố những nhịp đã bị hư hỏng, xập xệ và bảo đảm khẩu độ thông thuyền.

Ngày 21-2, ông Nguyễn Thịnh Thành – Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội khẳng định: Quan điểm chung của thành phố là phải gắn kết giữa bảo tồn và phát triển. Thành phố sẽ cùng với Bộ GTVT cân nhắc kỹ các phương án để đáp ứng được yêu cầu này.

Như vậy, đến nay, diễn biến liên quan đến số phận cây cầu lịch sử này đã khá rõ về mặt mục tiêu nhưng lại có những đòi hỏi rất khắt khe, dung hòa giữa hai yêu cầu rất quan trọng nhưng lại khó dung hòa là bảo tồn và phát triển. Đây là bài toán phức tạp nhưng mang đậm tính chất mở, đang mong đợi những ý kiến thỏa đáng từ phía các nhà quản lý, nhà khoa học và các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành cũng như ý kiến của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu (cách tim cầu cũ 85m) để bảo tồn. Cầu dùng cho cả đường sắt và đường bộ. Trong đó đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ô tô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ; giữ lại các nhịp cầu Long Biên (nguyên bản) để bảo tồn. Để nhằm mục đích bảo tồn, chủ đầu tư sẽ gia cố, sửa chữa để khai thác đường bộ hai bên cầu phục vụ cho du lịch bãi giữa sông Hồng; xây dựng mới mố cách tim cầu 85m về phía thượng lưu và di dời cầu cũ vào vị trí mố, trụ nói trên. Xây dựng hai trận địa pháo phòng không cao 11,5m trên bãi cát nổi giữa sông. Chi phí đầu tư của phương án 1 là 7.982 tỷ đồng.
Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu (chi phí 9.094 tỷ đồng).
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu để bảo tồn (chi phí 9.389 tỷ đồng).

latest articles

explore more