21 C
Turan
HomeKhoa học Công nghệHội thảo Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến phát triển...

Hội thảo Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến phát triển bền vững – ATCESD 2015

Chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nay là Đại học thành viên Đại học vùng Đà Nẵng, hôm nay 17/9, tại Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã diễn ra hội thảo “Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến phát triển bền vững – ATCESD 2015”.

 GS.TS Phan Quang Minh (Đại học Xây dựng) trình bày báo cáo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới cho các công trình biển, đảo của Việt Nam” (đồng tác giả với GS.TS Phan Quang Minh là các cộng sự Phạm Thanh Tùng, Phạm Quang Đạo). -Ảnh: T.N.

 Câu hỏi phản biện từ hàng ghế người nghe dành cho đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới cho các công trình biển, đảo của Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có các Giáo sư, chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học quốc gia Yokohama (Nhật Bản), Đại học Xây dựng; các nhà khoa học, các Giảng viên, học viên sau Đại học các Khoa thuộc nhóm Ngành Xây dựng Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng; các Viện Nghiên cứu, các doanh nghiệp. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc, môi trường và quản lý dự án dự án.

Đây cũng là lần đầu tiên một hội thảo chuyên ngành về chủ đề trên được các Khoa thuộc Nhóm ngành Xây dựng của Trường đứng ra tổ chức.

 Phó GS.TS Trương Hoài Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng tặng hoa các báo cáo viên phiên toàn thể. -Ảnh: T.N

“Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế của đất nước đã tạo động lực cho sự phát triển của cơ sở hạ tầng xây dựng, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức lớn như ô nhiễm môi trường, quy hoạch không đồng bộ, khai thác sử dụng quỹ đất chưa hợp lý… Những thách thức này đòi hỏi các nhà khoa học và cộng đồng phải có sự hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Nhân dịp chào mừng 40 năm ngày thành lập trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, hội thảo “Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến phát triển bền vững – ATCESD” được các Khoa thuộc Nhóm ngành Xây dựng của Trường phối hợp tổ chức với mục đích tạo một diễn đàn trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp.

ATCESD 2015 hướng đến một diễn đàn học thuật, kết nối nhằm tăng cường hợp tác và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cũng như giới thiệu các công nghệ, giải pháp thiết kế và xây dựng tiên tiến.

Lượng thông tin nghiên cứu và trao đổi ATCESD 2015 sẽ được phổ biến và ứng dụng để tất cả cùng hướng đến một tương lai phát triển bền vững cho Đà Nẵng, miền Trung nói riêng, cả nước ta nói chung” – TS. Nguyễn Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Cầu – Đường; Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.cho biết.

 Phó GS.TS Trương Hoài Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng -Ảnh: T.N.

Hội thảo “Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến phát triển bền vững – ATCESD 2015” cũng là cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác giữa Nhà trường với các trường Đại học chuyên ngành kỹ thuật, các Viện Nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát ở miền Trung và trên cả nước.

Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng là một trong các trường Đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo cán bộ kỹ thuật-công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Nhận thức được vai trò, vị trí của mình trong công tác đào tạo phải gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong những năm qua các Khoa thuộc nhóm ngành Xây dựng của Trường đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo; các diễn đàn trao đổi nghiên cứu và giao lưu với các tổ chức, các trường Đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Nhóm ngành Xây dựng là một trong những nhóm Ngành chủ lực của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng hiện nay với 6 khoa Xây dựng DD&CN, Xây dựng Cầu đường, Xây dựng Thuỷ lợi-Thuỷ điện, Kiến trúc, Môi trường và Quản lý dự án.

“Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, trong những năm gần đây nhiều thành phố nước ta đang phải đối đầu với những thách thức lớn trong quá trình phát triển như ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước; quy hoạch hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, thiếu sự điều tiết dẫn đến thường xuyên xảy ta tai nạn, ùn tắc; công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng đất không hợp lý…Nhiều công trình cao tầng được xây dựng chưa đúng với quy định làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị…Tất cả đang đòi hỏi các nhà khoa học cần có các nghiên cứu phản biện cần thiết giúp các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, doanh nghiệp tư vấn khảo sát thiết kế, thi công … cải tiến quy trình, áp dụng mạnh mẽ hơn các tiến bộ khoa học-công nghệ mới vào quá trình triển khai đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc dân dụng, công nghiệp” – Phó GS.TS Trương Hoài Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng phân tích thêm.

 GS Kazuo Konagai – Đại học quốc gia Yokohama nêu và khuyến cáo những bất cập trong quy hoạch và thi công xây dựng tại Việt Nam, cùng các giải pháp hướng đến kiến trúc bền vững. Các ví dụ, dẫn chứng minh hoạ của GS được trích từ các bài báo Việt Nam và tình hình thiên tai ở miền Trung Việt Nam. – Ảnh: T.N

GS.TS Phan Quang Minh (Đại học Xây dựng) cho biết như trên trong phần trình bày báo cáo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới cho các công trình biển, đảo của Việt Nam” (đồng tác giả với GS.TS Phan Quang Minh là các cộng sự Phạm Thanh Tùng, Phạm Quang Đạo).

“Nhà nước đã quyết định 1.500 tỷ đồng đầu tư nghiên cứu, thí nghiệm vật liệu xây dựng trên biển, đảo Việt Nam trong 2 năm 2015-2016, nước ta có 3.200 km bờ biển, 28 tỉnh/TP có bờ biển, 125 huyện ven biển, 12 huyện đảo, số lượng công trình xây dựng ven biển, trên đảo là rất lớn. Áp lực lớn cho công tác nghiên cứu ứng dụng của chúng ta đó là vấn đề tuổi thọ công trình bị suy giảm nghiêm trọng khi xây dựng ở vùng có tiếp xúc với môi trường biển”.

Để giải quyết bài toán “chống ăn mòn điện hoá” – GS.TS Phan Quang Minh phân tích – đã có các đề xuất thép mạ hoặc bọc polymer, dùng anode kẽm để bảo vệ cốt thép. Nay chúng tôi đề xuất sử dụng bêtông geopolymer, một loại bê tông không sử dụng chất kết dính là xi-măng thông thường mà sử dụng một số chất thay thế tác dụng với dung dịch kiềm hoạt hoá (activator). Các chất thay thế xi-măng là xỉ lò cao, tro bay. Đại học Xây dựng đã cùng đối tác của mình (UoM) thí nghiệm chế tạo vữa sử dụng trực tiếp cát mặn và nước mặn từ Phú Yên, Bình Định, Hải Phòng và đã công bố kết quả tại hội thảo quốc tế ICCE-23. Hiện chúng tôi cũng đã nghiên cứu thành công cốt GFRP-một loại vật liệu mới thay thế cho cốt thép- nhưng cường độ chịu kéo cao tương đương thép CIV. Cốt GFRP có tỷ lệ cường độ trên trọng lượng riêng lớn nên dễ vận chuyển và góp phần làm giảm trọng lượng kết cấu. Cốt GFRP có khả năng chống thấm cao, bèn với các môi trường kiềm, mặn và không bị ảnh hưởng ăn mòn…

Hội thảo “Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến phát triển bền vững – ATCESD 2015” đã nhận được sự tài trợ của CTCP Vinaconnex 25, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng & Tư vấn kỹ thuật nền móng công trình, CT.TNHH Giải pháp Công nghệ số Viet Net, Công ty Wacker Chemical (South Asia) và ĐH Quốc gia Yokohama. Ảnh trên: Phó GS.TS Trương Hoài Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng tặng hoa tri ân đến 2 trong 5 đại diện Nhà tài trợ.

 Chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc phiên toàn thể. -Ảnh: T.N.

Theo Thông tin Truyền thông

latest articles

explore more