Giới thiệu chung

Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng được thành lập năm 1996, tiền thân là Bộ môn Cầu đường thuộc Khoa Xây dựng cũ từ năm 1986. Là cơ sở công lập đầu tiên ở miền Trung, duy nhất đào tạo Kỹ sư Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông (Xây dựng Cầu đường), Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật Vật liệu xây dựng (Vật liệu và Cấu kiện xây dựng) hệ chính quy công lập, hệ liên thông Cao đẳng – Đại học, hệ vừa làm vừa học; đào tạo cao học chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông (Xây dựng Cầu hầm và Xây dựng Đường ô tô – đường thành phố) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Đà Nẵng, khu vực Miền trung – Tây nguyên và trên cả nước.

Bắt đầu tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên Kỹ sư Xây dựng Cầu đường vào năm 1986 với số lượng ban đầu chỉ có 5 cán bộ giảng dạy. Đến nay, tổng số cán bộ viên chức của Khoa là 45, trong đó có 03 PGS, 16 TS, 24 ThS, và 02 KS. Tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học chiếm 97,56%. Có 12 cán bộ giảng dạy đang làm NCS tiến sĩ, trong đó 02 trong nước và 10 ngoài nước, 02 cán bộ đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Mỹ và Italia, 01 cán bộ đang học cao học tại Nhật bản. Đã đào tạo được hơn 5700 kỹ sư và 150 thạc sĩ. Hiện tại Khoa đang quản lý 931 sinh viên hệ chính quy và 112 học viên cao học. Đội ngũ cán bộ cán bộ giảng dạy của Khoa không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn mới.

Khoa có 04 bộ môn:

  • Bộ môn Cơ sở kỹ thuật Xây dựng,
  • Bộ môn Cầu hầm,
  • Bộ môn Đường ô tô – đường thành phố,
  • Bộ môn Vật liệu Xây dựng;

quản lý 05 phòng thí nghiệm, bao gồm:

  • PTN Cầu – đường,
  • PTN Địa cơ,
  • PTN Vật liệu Xây dựng,
  • Phòng máy trắc địa,
  • Phòng thí nghiệm tính năng cao.

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng là một trong những điểm mạnh của cán bộ giảng viên trong Khoa. Đã tham gia và chủ trì 87 đề tài các cấp, trong đó có 17 đề tài cấp Bộ, 19 đề tài cấp Đại học Đà Nẵng,33 đề tài cấp cơ sở và 18 đề tài liên kết các tỉnh. Có 03 công trình được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế. Chủ trì và tham gia tư vấn, chuyển giao công nghệ nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên trong khoa cũng phát triển rất mạnh. Hội nghị NCKH của sinh viên trong Khoa được tổ chức định kỳ vào đầu tháng 6 hàng năm, qua đó tuyển chọn được nhiều đề tài tham dự và đạt nhiều giải cao trong các Hội nghị sinh viên NCKH của trường Đại học Bách khoa, của Đại học Đà Nẵng; cùng với nhiều giải thưởng cấp Quốc gia (Tài năng khoa học trẻ Việt nam, VIFOTEC, giải thưởng Loa Thành, Olympic cơ học).

Hơn 32 năm xây dựng và phát triển ngành, 22 năm xây dựng và phát triển Khoa, Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng không ngừng phát triển. Quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường. Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội nhằm tiến tới thực hiện chủ trương của Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Bách khoa theo hướng trở thành Đại học Nghiên cứu phù hợp với các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

“Tư duy, sáng tạo, nuôi dưỡng lòng nhân ái”

Ý nghĩa chung của triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt nhằm hướng đến một mục đích cụ thể trong nền giáo dục của một quốc gia, ứng với từng giai đoạn lịch sử. Triết lý giáo dục hướng đến những kỳ vọng, mong mỏi của đất nước với mỗi công dân trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực, trách nhiệm với dân tộc.

Trường Đại học Bách khoa với triết lý giáo dục Tư duy, sáng tạo, nuôi dưỡng lòng nhân ái đã hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người đầy trí tuệ, bản lĩnh; có khả năng tư duy độc lập, biết sáng tạo những cái mới có ích, biết phê phán, phản biện và có một tấm lòng nhân ái, biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh, có trách nhiệm với Tổ quốc.

Nội dung của Triết lý giáo dục

* Tư duy: là hoạt động cần có của quá trình học tập. Có tư duy người học mới có thể vận dụng, sáng tạo từ các kiến thức thu nhận được trong quá trình học tập. Đây là nền tàng cơ bản cho sự tự học, tìm tòi, khám phá, phê phán và tự bổ sung kiến thức, tri thức.

* Sáng tạo: có sáng tạo mới tìm ra những cái mới trong khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống, phục vụ con người. Sáng tạo là nền tảng tạo ra các phát minh, ứng dụng thiết thực.

* Nuôi dưỡng lòng nhân ái: Lòng nhân ái sẽ giúp cho sinh viên luôn hướng tới phục vụ cộng đồng, sống vị tha, có trách nhiệm với xã hội, trở thành những người công dân tốt, biết chăm lo, hiếu thảo với các bậc sinh thành.

Các nội dung của Triết lý giáo dục của Trường Đại học Bách khoa phù hợp yêu cầu đổi mới của đất nước; Thoả mãn nhu cầu căn bản của người học, của xã hội ở mọi thời đại: học để biết tư duy, để làm việc có ích cho xã hội; Bao trùm tinh thần chủ đạo của mục tiêu sứ mạng của Nhà trường; Là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục của Nhà trường. Đặc biệt, Triết lý giáo dục của Trường đáp ứng được yêu cầu bức thiết của xã hội trước những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống, lòng tin, …

Quyết định công bố Triết lý giáo dục của Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN

Tầm nhìn

Khoa XDCĐ sẽ trở thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và trên cả nước trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng giao thông, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Sứ mạng

Khoa XDCĐ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành KTXD CTGT, CNKT VLXD và cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ đáp ưng nhu cầu phát triển KT-XH của thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và trên cả nước.

Quyết định số 159/QĐ-ĐHBK-HCTH ngày 30/07/2014 về việc công bố "Tầm nhìn - Sứ mạng" của Trường Đại học Bách khoa.

Quyết định số 168/QĐ-ĐHBK ngày 05/06/2015 về việc công bố "Kế hoạch chiến lược phát triển" Trường Đại học Bách khoa giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn đến năm 2025.

Bằng truyền thống, kinh nghiệm và đội ngũ Cán bộ, Giảng viên đã và đang được đào tạo có chuyên môn tốt, khoa Xây dựng cầu đường sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo đã có thương hiệu, không mở rộng quy mô đào tạo mà chủ yếu đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chuyên ngành đào tạo chuyên sâu, hướng đến đào tạo tinh hoa và tạo cơ hội hòa nhập quốc tế.

Bên cạnh chuyên ngành Cầu đường bộ, chuyên ngành Đường và giao thông đô thị, sẽ tiếp tục mở thêm chuyên ngành Cầu và Công trình ngầm thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình Giao thông. Dự kiến mở thêm ngành Địa kỹ thuật vào năm 2015 nhằm đáp ứng các nhu cầu về xây dựng các hạ tầng có liên quan đến nền đất của khu vực và đất nước. Xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ nghề nghiệp và thạc sỹ nghiên cứu cho 2 chuyên ngành Cầu - Hầm và Xây dựng đường & Giao thông đô thị.

Tuyển dụng và gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước một số chuyên ngành Cầu, Xây dựng Đường ôtô – đường thành phố, Cơ học đất và nền móng, Địa chất, Vật liệu xây dựng.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị thí nghiệm cho 6 PTN (2 PTN mới), đáp ứng nhu cầu thí nghiệm, thực hành cho sinh viên, học viên cao học, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các Doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm nguồn lực tài chính, giải quyết các vấn đề thực tế từ công trình, từ nhu cầu Doang nghiệp, mời đại diện các Doanh nghiệp tham gia giảng dạy, nghiên cứu.

Phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác NCKH đón đầu đầu các công nghệ xây dựng hiện đại.

Thành lập 2 nhóm nghiên cứu và tiến đến thành lập 2 Viện nghiên cứu:

  • Nhóm thứ nhất : “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong xây dựng.”

Lĩnh vực: Nghiên cứu triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại trong công tác thiết kế, thi công, kiểm định, khai thác và đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng dân dụng, cầu đường và thuỷ lợi khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Nghiên cứu các giải pháp thiết kế qui hoạch, nâng cao chất lượng khai thác đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc ở đô thị Việt Nam.

  • Nhóm thứ hai : “Nghiên cứu công nghệ vật liệu và cấu kiện mới trong xây dựng”

Lĩnh vực: Nghiên cứu chế tạo vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng dùng cho các công trình xây dựng cầu, đường, xây dựng dân dụng và thủy lợi phù hợp điều kiện khai thác địa phương.

Đơn vị hợp tác và phối hợp: Các Sở khoa học và Công nghệ, Các Sở xây dựng chuyên ngành, Đại học Cầu đường Paris, Phòng thí nghiệm trung tâm Cầu đường Paris LCPC, Đại học Nantes – CH Pháp, Đại học Melbounre, Wolugong – Úc, Các ĐH Nhật Bản, Viện cơ học, Viện AIT Thailand, Trung tâm NCUD và Tư vấn KTNM công trình, Khu quản lý đường bộ 5, Khoa Cầu đường ĐHXD, Khoa Cầu đường bộ ĐH GTVT Hà Nội…