28 C
Turan
HomeTin tức - Sự kiệnBản tin chuyên ngànhNgành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: Triển vọng, cơ...

Ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: Triển vọng, cơ hội và thách thức trong tương lai

Ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (hay xây dựng cầu đường) đã và đang là một ngành “hot” trong những năm gần đây với số cơ hội nghề nghiệp không ngừng gia tăng và mức đãi ngộ tốt. Tương lai sẽ còn tiếp tục phát triển do nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa đang gia tăng chóng mặt.

I. Tổng quan

Quy mô thị trường xây dựng cầu toàn cầu được định giá 908,0 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ đạt 1.212,6 tỷ đô la vào năm 2027. Ngành kỹ thuật này không chỉ thu hút sự tham gia của các kỹ sư xây dựng, kỹ sư cầu đường mà còn bao gồm các vấn đề khoa học dân dụng, cơ khí, địa chất, điện và máy tính.

Hầu hết chủ đầu tư cho các dự án xây dựng cầu đường là chính phủ, vì vậy công việc trong ngành này có một sự đảm bảo nhất định, nhất là về thu nhập và số lượng các dự án. Ở các quốc gia đang phát triển năng động và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm cao như Việt Nam, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung vào giao thông vận tải.

Nguyên nhân dẫn tới sự phát triển của ngành là do tăng số lượng phương tiện giao thông, làm tăng nhu cầu về mạng lưới giao thông. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, số lượng ô tô dự kiến ​​sẽ đạt mốc 2 tỷ trên toàn cầu vào năm 2040. Thị trường xây dựng cầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh do tăng đầu tư, sáng kiến ​​của chính phủ và tăng trưởng kinh tế trong phát triển và phát triển nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự gia tăng tốc độ đô thị hóa cũng dự kiến ​​sẽ thúc đẩy sự mở rộng của các mạng lưới đường giao thông trên toàn cầu, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng cầu đường
Nhiều dự án cầu đường quy mô lớn được thiết kế và thi công bởi kỹ sư cầu đường Việt Nam

II. Triển vọng phát triển

1. Nhu cầu của thị trường

Do xu hướng phát triển của thị trường mà nhu cầu nguồn nhân lực của ngành đã và đang không ngừng tăng lên. Kỹ sư cầu đường yêu cầu trình độ chuyên môn cao, trải qua đào tạo tại các trường đại học uy tín và có khả năng bao quát công việc, có tầm nhìn và tuân thủ các quy định, nghị định liên quan đến quy hoạch và phát triển nói chung.

Ở Việt Nam, khi mà tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục tăng ở mức ổn định thì ngành xây dựng cầu đường cũng nhờ vào đó mà thu hút thêm nhân lực. Công việc của những người làm trong ngành này tương đối vất vả nhưng đồng thời có nhiều cơ hội phát triển và mức lương cao.

2. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc của kỹ sư cầu đường thường tuân theo quy định của Luật Lao động, nghĩa là thử việc trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, thời gian thử việc thực tế có thể thay đổi, phụ thuộc vào thỏa thuận của nhà tuyển dụng và ứng viên, liên quan tới trình độ, kinh nghiệm làm việc trước đó và khả năng thích ứng, đóng góp của ứng viên.

3. Mức lương khởi điểm

Ở Mỹ, công việc kỹ sư cầu đường có mức lương khởi điểm là từ 58.000 USD/năm (gần 1,4 tỷ đồng/năm). Ở Việt Nam, kỹ sư cầu đường chưa có kinh nghiệm có mức lương khởi điểm là từ 5,5 – 6 triệu đồng/tháng – cao hơn lương khởi điểm của đa số các ngành nghề khác.

4. Mức lương theo năm kinh nghiệm

Mức lương của kỹ sư cầu đường ở Mỹ có từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm trở lên là gần 71.000 USD/năm (hơn 1,6 tỷ đồng), trong đó, một bộ phận được trả lương cao nhất với tay nghề đặc biệt xuất sắc hoặc kinh nghiệm làm việc trên 10 năm có thể nhận số tiền lên tới 101.000 USD/năm (hơn 2 tỷ đồng).

Tại Việt Nam, ngành xây dựng cầu đường cũng được cho là một ngành có tiềm năng phát triển và khả năng thăng tiến dựa trên trình độ và đóng góp thực tế. Những kỹ sư cầu đường có từ 2 năm kinh nghiệm trở lên có thể nhận mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư cầu đường có uy tín và thâm niên sẽ có thể có mức thu nhập lên tới 30 – 40 triệu đồng/tháng.

5. Cơ hội sự nghiệp

5.1. Cơ hội việc làm của Kỹ Sư Cầu Đường tại Việt Nam

Như đã trình bày ở trên, có nhiều cơ hội việc làm dành cho kỹ sư cầu đường tại Việt Nam. Nếu có trình độ chuyên môn, bằng cấp phù hợp thì bạn có thể ứng tuyển vào các công ty, xí nghiệp xây dựng (nhà nước, tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài), các viện thiết kế, v.v. Một số vị trí việc làm trong ngành xây dựng cầu đường bao gồm:

  • Kỹ sư thi công.
  • Kỹ sư tư vấn thiết kế.
  • Kỹ sư giám sát công trình.
  • Kỹ sư dự án.
  • Quản lý dự án xây dựng.
Cầu vượt Ngã Ba Huế
Một trong những công trình tiêu biểu có sự tham gia của giảng viên, cựu sinh viên Khoa Xây dựng Cầu đường – Đại học Bách khoa – ĐHĐN

5.2. Cơ hội việc làm tại nước ngoài

Những kỹ sư cầu đường có trình độ cũng có thể cân nhắc tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Một trong những thị trường cần nhiều kỹ sư cầu đường hiện nay thu hút lao động Việt Nam là Nhật Bản.

Để có thể làm việc tại thị trường “khó tính” này, phía nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có khả năng ngoại ngữ (ở đây là tiếng Nhật). Trình độ tiếng Nhật của bạn càng tốt thì mức lương mà bạn thỏa thuận cũng có thể càng cao. Thông thường, nếu bạn làm công việc Kỹ Sư Cầu Đường tại Nhật Bản sẽ nhận mức lương dao động trong khoảng 180.000 Yên – 240.000 Yên/tháng, tương đương từ 39 đến 50 triệu đồng/tháng.

6. Cơ hội tăng thêm thu nhập

Tùy thuộc vào chuyên môn và kinh nghiệm mà kỹ sư cầu đường có thể cân nhắc làm thêm để gia tăng thu nhập. Các công việc làm thêm này chủ yếu tập trung vào các dự án thiết kế công trình. Khi bạn càng có kinh nghiệm và các mối quan hệ trong ngành, bạn sẽ càng có cơ hội nhận một phần việc thiết kế công trình cầu đường từ các công ty, nhà thầu. Đặc biệt, những công việc này đều được trả phí tương đối cao và bạn hoàn toàn có thể làm khi có thời gian rảnh, miễn là đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và thời hạn.

7. Thách thức

7.1. Thách thức trong việc theo kịp tiến bộ của khoa học công nghệ vào thiết kế và thi công

Cũng giống như nhiều ngành kỹ thuật và kinh tế khác hiện nay, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào thiết kế thi công là yêu cầu bắt buộc với các kỹ sư cầu đường. Các phần mềm thiết kế, tính toán hoặc các công nghệ tự động hóa có thể giúp cho quá trình giải quyết công việc của kỹ sư cầu đường đơn giản và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện học hỏi và thích nghi kịp thời, đặc biệt là với những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm thì đây có thể là một sự thay đổi lớn.

Bên cạnh đó, các công nghệ mới thường có chi phí khá cao, đòi hòi đầu tư ban đầu lớn, liên quan tới trang thiết bị cũng như đào tạo. Nhìn chung, việc triển khai và áp dụng công nghệ mới phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách của nhà đầu tư và yếu tố con người.

7.2. Thách thức liên quan tới điều kiện làm việc

Hầu hết kỹ sư cầu đường đều phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng khác liên quan tới điều kiện làm việc. Tùy thuộc vào vị trí và vai trò công việc cụ thể mà nơi làm việc của bạn sẽ khác nhau: Công trường hoặc văn phòng. Mặc dù vậy, kỹ sư cầu đường không thể tránh làm việc tại công trường, đi công tác tại những địa phương khác nhau với điều kiện địa lý, sinh hoạt khó khăn.

Những vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống của kỹ sư cầu đường. Các mối quan hệ gia đình, bạn bè cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu xác định xây dựng sự nghiệp trong ngành này, điều quan trọng là bạn phải tự xác định những khó khăn liên quan đến điều kiện làm việc và sẵn sàng đương đầu với nó.

7.3. Dự án cầu đường chịu tác động từ các thay đổi trong chính sách

Một trong những khó khăn khác của Ngành cầu đường là chịu tác động, ảnh hưởng từ những thay đổi mang tính quy hoạch vĩ mô, những chính sách liên quan tới cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và giao thông công cộng. Làm việc trong ngành này, kỹ sư cầu đường cũng phải có sự nhạy bén với những thay đổi và khả năng phân tích, dự đoán để kịp thời thích nghi.

Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn

latest articles

explore more