Bộ môn Cơ sở kỹ thuật Xây dựng

Đội ngũ cán bộ Bộ môn CSKTXDBộ môn Cơ sở kỹ thuật Xây dựng (CSKTXD) được thành lập năm 2002 trên cơ sở Bộ môn Cơ sở kỹ thuật (1986) của khoa Xây dựng, trường ĐHBK Đà Nẵng, Bộ môn Cơ sở kỹ thuật (1996) của khoa Xây dựng Cầu đường trường Đại học Kỹ thuật, nay là trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Hiện nay, Bộ môn với số lượng 11 cán bộ, trong đó có 03 cán bộ có trình độ Tiến sĩ, 06 cán bộ có trình độ Thạc sĩ, có 02 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh, 02 cán bộ đang học chương trình thạc sĩ trong và ngoài nước.

Các môn học đảm nhiệm: Bộ môn đảm nhận giảng dạy các môn học: Địa chất công trình, Thực tập Địa chất CT, Trắc địa, Thực tập trắc địa, Cơ học đất, Thí nghiệm Cơ học đất, Nền móng và Đồ án Nền móng cho các hệ Đại học chính quy, hệ đại học vừa học vừa làm tại các tỉnh Miền trung và Tây nguyên cho các khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Xây dựng công trình thủy, Xây dựng Cầu đường, Kiến trúc và Quản lý dự án. Ngoài ra cán bộ của Bộ môn cũng tham gia giảng dạy và hướng dẫn sau đại học cho các học viên cao học nhóm ngành xây dựng của nhà Trường.

Mục tiêu và sứ mạng: Mục tiêu góp phần phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước nói chung và Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Lực lượng cán bộ và trang thiết bị phòng thí nghiệm của Bộ môn luôn được Khoa và nhà Trường quan tâm tăng cường, đào tạo nhân lực và đầu tư thiết bị mới để đáp ứng sứ mạng chuyển giao tri thức đến người học, nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội và phản biện khoa học.

Công tác chuyên môn: Trong những năm qua Bộ môn luôn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của nhà Trường và Khoa giao như: Đã đảm nhận và hoàn thành xuất sắc khối lượng giảng dạy rất lớn; Tham gia học tập bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn; Triển khai áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật giảng dạy và thực tế sản xuất; Đã đưa các bài giảng môn học lên mạng của nhà trường; Đã cho xuất bản một số giáo trình môn học như: Trắc Địa (1992), Cơ học đất (2005), Nền và Móng (2010), Cơ sở Địa chất công trình (2013).

Nghiên cứu khoa học: Giảng viên Bộ môn đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: 05 đề tài cấp Trường, 06 đề tài cấp Đại học Đà nẵng, 01 đề tài cấp thành phố và một số đề tài khác. Tham gia viết xuất bản hơn 60 bài báo trên các tạp chí, tuyển tập Hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế. Cán bộ trong Bộ môn được Khoa và nhà Trường cử đi báo cáo khoa học nhiều Hội thảo quốc tế như: GEOTEC (Hanoi-2011), Hội thảo Kỹ sư trẻ Châu Á 7thAYGEC (Nhật Bản-2012), Hội thảo Kỹ sư trẻ quốc tế 5thiYGEC (Pháp-2013), 19SEAGC (Malaysia-2016)… và có một cán bộ nhận được giải thưởng của Viện hàn lâm kỹ thuật Đông Nam Á MCCC-AAET.

Công tác Hội chuyên môn: Cán bộ giảng dạy thuộc Bộ môn Cơ sở kỹ thuật Xây dựng cũng là lực lượng nòng cốt trong Ban chấp hành Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam – VSSMGE và Chi hội VSSMGE Miền Trung. Trong thời gian qua, Bộ môn đã góp phần với Hội VSSMGE, trường ĐHBK, khoa XDCĐ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về Cơ học đất, Nền móng, Địa kỹ thuật cho kỹ sư xây dựng tại các tỉnh Miền Trung & Tây Nguyên; Tổ chức ngày Địa kỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng, báo cáo các seminar khoa học, các Hội thảo chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Nhóm nghiên cứu: Trong xu thế hội nhập và phát triển của trường Đại học Bách khoa, hướng đến đại học nghiên cứu, Bộ môn đang chuẩn bị thành lập nhóm nghiên cứu TRT: Công nghệ mới trong Địa kỹ thuật – NT.GEOTEC (New Techonology in Geotechnic). Nhóm NT.GEOTEC sẽ nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong thiết kế, thi công, khảo sát, thí nghiệm trong lĩnh vực Địa kỹ thuật công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi công trình ngầm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững hệ thống cơ sở hạ tầng.
Mở chuyên ngành mới: Hiện nay Bộ môn cùng với Khoa Xây dựng Cầu đường đang xây dựng đề án mở chuyên ngành Địa kỹ thuật công trình thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Chuyên ngành này đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên sâu cho kỹ sư về các công tác khảo sát, thiết kế, thi công, thí nghiệm Địa kỹ thuật cho các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi và công trình ngầm. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Trưởng bộ môn

TS. Đỗ Hữu Đạo