28 C
Turan
HomeTin tức - Sự kiện40 năm thành lập Ngành Xây dựng- Đại học Bách Khoa, Đại...

40 năm thành lập Ngành Xây dựng- Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng: Sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực bậc cao, hội nhập thị trường lao động tự do Cộng đồng kinh tế ASEAN !

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Ngành Xây dựng- Đại học (ĐH) Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng (diễn ra sáng nay 3/9/2016), GS.TSKH Bùi Văn Ga-Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GS Ga cũng từng là Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng; Giám đốc ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh:

Khởi đầu từ lứa đầu tiên với 50 SV với 2 chuyên ngành Dân dụng và Thủy lợi, đến nay, sau 40 năm xây dựng và phát triển, ngành Xây dựng trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã phát triển nhanh chóng thành 6 khoa, bao phủ hầu hết các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, môi trường, quản lý dự án.

Nhận thức được tầm quan trọng của các chuyên ngành xây dựng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã không ngừng đầu tư, phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất (CSVC), quy mô đào tạo của các khoa thuộc ngành Xây dựng phát triển. Và dù ở quy mô và mức độ phát triển nào,  chất lượng đào tạo của Ngành cũng luôn đảm bảo nhờ đội ngũ giảng viên trình độ cao, những nhà nghiên cứu giỏi tham gia và giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các khoa.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ, GS.TSKH Bùi văn Ga, Thứ trưởng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 2 tập thể (ảnh trên) và 10 cá nhân (ảnh tiếp theo) đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển các khoa Xây dựng thuộc trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng giai đoạn 1976 – 2016:

1. Khoa Xây dựng Cầu đường
2. Khoa xây dựng Thủy lợi – Thủy điện

10 cá nhân:

1.Ông Phạm Anh Đức – Trưởng khoa, Khoa Quản lý Dự án
2.Ông Nguyễn Quang Trung – Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý Dự án
3.Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Trưởng bộ môn Quản lý công nghiệp, Khoa Quản lý dự án
4.Bà Nguyễn Thị Tuyết An- Giảng viên, Khoa Xây dựng Cầu đường
5.Ông Lê Văn Định – Giảng viên, Khoa Xây dựng Cầu đường
6.Ông Võ Đức Hoàng – Giảng viên, Khoa Xây dựng Cầu đường
7.Ông Trịnh Quang Thịnh – Giảng viên chính, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp
8.Ông Đặng Hưng Cầu – Giảng viên, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp
9.Ông Nguyễn Thế Hùng – Giảng viên, Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện
10.Ông Ngô Văn Dũng – Giảng viên chính, Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện.

-Ảnh: T.N.

Nếu những năm trước đây đào tạo sau ĐH của các ngành xây dựng phải nhờ vào sự hỗ trợ của các trường ĐH lớn ở Hà Nội thì nay, các khoa đã đủ điều kiện để đào tạo sau ĐH, thu hút đông đảo thí sinh, nghiên cứu sinh (NCS).

Vượt qua nhiều khó khăn thách thức của những năm tháng khó khăn chung, thiếu thốn CSVC thực hành-thực nghiệm, sinh viên (SV) các ngành Xây dựng vẫn luôn mang trong mình hoài bão lập thân lập nghiệp, hàng vạn cựu SV của ngành luôn đang có mặt trên khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Nhiều thế hệ cựu SV của Trường còn trưởng thành vượt bậc, nắm giữ những vai trò quan trọng ở các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở sản xuất làm rạng danh ngành Xây dựng – ĐH Bách khoa, ĐH Đà Năng.

Trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập như hiện nay, các ngành Xây dựng cần liên tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ của SV.

Trong số 8 lĩnh vực di chuyển lao động tự do trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (ở giai đoạn đầu) có đến 2 lĩnh vực là Xây dựng và Kiến trúc. Điều này càng thôi thúc mạnh mẽ hơn việc đổi mới, cập nhật chương trình, tiếp cận với kinh nghiệm đào tạo của các nước phát triển, kiểm định chất lượng để SV tốt nghiệp các ngành xây dựng có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động thời hội nhập trong thời kỳ hội nhập khu vực và thế giới.

Lãnh đạo 6 khoa thuộc Ngành xây dựng đón nhận hoa chúc mừng từ các bạn SV (ảnh trên)và từ GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng nhà trường (ảnh tiếp theo).

-Ảnh: T.N.

Diễn văn tại buổi lễ của TS.Trần Quang Hưng – Trưởng Khoa Xây dựng Dân dụng-Công nghiệp (thay mặt các Trưởng khoa của Ngành) – đã ôn lại những ngày đầu và các chặng đường xây dựng phát triển của Ngành Xây dựng- Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng và khẳng định “40 năm qua ngành Xây dựng Bách Khoa Đà Nẵng đã rất nỗ lực, tự khẳng định được mình trong vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Sau 40 năm, các khoa thuộc nhóm ngành Xây dựng đã đào tạo được hơn 18.000 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học. Thành tựu này rất xứng đáng để các thế hệ Thầy trò chúng ta trân trọng và ghi nhớ”.

Nguồn nhân lực phục vụ tái thiết quê hương sau chiến tranh

Vào năm 1976 với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngay cho công tác xây dựng và tái thiết đất nước sau chiến tranh, Khoa Xây dựng ĐH Bách Khoa Đà Nẵng chính thức được thành lập năm.

Sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng Bách Khoa Đà Nẵng đã có những bước phát triển rất đáng tự hào, trở thành một cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực Miền Trung–Tây Nguyên.

Chất lượng đào tạo của Ngành xây dựng Bách Khoa đã được xã hội thừa nhận và khẳng định, các thế hệ SV ra trường kể từ khoá 1 đến nay đã và đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức Đảng, chính quyền, trong  các cơ quan chuyên môn, các tập đoàn kinh tế, các công ty lớn trên điạ bàn các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.

Thừa ủy nhiệm Văn phòng Bộ Xây dựng, GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng nhà trường trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Xây dựng đến các Thầy:

1.Thầy Trần Cát – Nguyên Trưởng khoa, Khoa Xây dựng
2.Thầy Hoàng Công Cần – Nguyên Trưởng khoa, Khoa Xây dựng
3.Thầy Nguyễn Quang Đoàn – Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Xây dựng
4.Thầy Nguyễn Thanh Thịnh – Nguyên Trưởng khoa, Khoa Xây dựng
5.Thầy Nguyễn Văn Siếu – Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Cầu đường
6.Thầy Lê Văn Lạc – Nguyễn Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Cầu đường
7.Thầy Nguyễn Thế Hùng – Trưởng Bộ môn Xây dựng thủy lợi – thủy điện, Khoa Thủy lợi – Thủy điện.

-Ảnh: T.N.

Trong 40 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành Xây dựng ĐH Bách Khoa Đà Nẵng đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng. Từ Khoa Xây dựng được thành lập vào năm 1976, nay đã phát triển thành 6 khoa: Xây dựng dân dụng & Công nghiệp, Xây dựng Cầu đường, Xây dựng thủy lợi thủy điện, khoa Môi trường, Quản lý dự án và khoa Kiến trúc. Đây là các chuyên ngành đào tạo mang tính chiến lược trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhớ lại buổi đầu thành lập, chỉ với một số ít cán bộ giảng dạy, đến nay, 6 khoa của ngành Xây dựng đã có hơn 180 cán bộ viên chức, đảm nhận việc dạy chuyên môn với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau ở bậc ĐH và sau ĐH.

Phần lớn cán bộ giảng dạy được thực tập, đào tạo ở các trường có uy tín trong nước và nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Chính vì vậy, các khoa thuộc nhóm ngành Xây dựng trường ĐH Bách Khoa thực sự là một địa chỉ thu hút nhiều HS khá giỏi qua các mùa tuyển sinh. Chất lượng SV  đầu vào không ngừng gia tăng thể hiện uy tín đào tạo của các khoa với xã hội.

Thừa ủy nhiệm Văn phòng Bộ Giao thông-Vận tải, Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đến 1 tập thể và 3 cá nhân gồm:

1.Khoa Xây dựng cầu đường.
2.Ông Hoàng Truyền – Nguyên Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường
3.Ông Lê Văn Lạc – Nguyên Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường
4.Ông Phan Cao Thọ – Phó Giáo sư.Tiến sỹ, Nguyên Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường (nay là Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ (ĐH Đà Nẵng).

-Ảnh: T.N.

Còn nhớ, khóa đầu tiên năm 1976 chỉ có 50 SV (với 2 chuyên ngành Xây dựng dân dụng & Thủy lợi), nay số lượng tuyển sinh hằng năm hệ chính qui của 6 khoa khoảng 1.000 SV ; 200 học viên sau ĐH, NCS. Bên cạnh đó còn chương trình liên kết đào tạo kỹ sư Việt- Nhật, chương trình đào tạo đặc biệt- chất lượng cao, chương trình Th.S liên kết với ĐN Nice-Sophia CH Pháp.

Song song với việc phát triển qui mô tuyển sinh, ngành nghề đào tạo cũng ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đặc thù ở các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên. Từ năm 1995, nhóm ngành Xây dựng bắt đầu đào tạo sau ĐH với trình độ Thạc sĩ & Tiến sĩ, hệ đào tạo này đã trở thành thế mạnh của nhà trường với 1 chuyên ngành Tiến sĩ và 5 chuyên ngành Thạc sĩ.

TS.Trần Quang Hưng – Trưởng Khoa Xây dựng Dân dụng-Công nghiệp trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm

Ngoài ra các khoa còn liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học cho các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên và một số tỉnh đồng bằng Nam bộ, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ cho các địa phương.

Hàng trăm đề tài nghiên cứu và chuyển giao

Ngoài giờ lên lớp, cán bộ giảng dạy của các Khoa còn tham gia vào nhiều lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên ngay từ những năm tháng đầu thành lập.

Các đề tài thực tiễn như qui hoạch vùng công nghiệp, qui hoạch tưới tiêu cho các đồng ruộng miền Trung, thiết kế, thi công các công trình xây dựng dân dụng-công nghiệp, các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, các công trình cầu đường bộ, hạ tầng giao thông, thiết kế xử lý môi trường cho các khu dân cư, các khu công nghiệp… có ý nghĩa rất thiết thực đối với sự phát triển ở các địa phương.

Cán bộ-giảng viên của 6 khoa nhóm ngành Xây dựng ngày nay đã hòa nhập rất tốt vào môi trường nghiên cứu quốc tế. Kết quả nghiên cứu đã công bố hơn 400 bài báo khoa học trên các tạp chí KH chuyên ngành trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị trí xếp hạng của trường ĐH Bách khoa.

Trong 10 năm gần đây, các Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong số đó có những đề tài đã đưa vào ứng dụng và triển khai thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

SV các khoa thuộc Ngành cũng có truyền thống say mê nghiên cứu khoa học, trong các năm qua cũng đã đạt được nhiều giải thưởng như giải tài năng nghiên cứu khoa học trẻ, giải Vifotec, giải Loa Thành, giải Honda Yes… Các hoạt động chuyển giao công nghệ cũng được chú trọng thông qua các trung tâm như:  Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường; Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Tư vấn Kỹ thuật Nền móng – Công trình; Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ..

Qua 40 năm xây dựng, phát triển, các Khoa đã được tặng nhiều Bằng khen của các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, của Thủ tướng Chính phủ (đó là khoa Thủy lợi-Thủy điện, năm 2002) và đặc biệt năm 2010 khoa Xây dựng Dân dụng-Công nghiệp và khoa Xây dựng Cầu đường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Ba.

Các bạn SV 6 chuyên ngành thuộc khoa Xây dựng với các tiết mục kỷ niệm 40 năm thành lập.

-Ảnh: T.N.

TS.Trần Quang Hưng cũng nhìn nhận: Càng vinh dự và tự hào về những thành quả đã đạt được trong những năm qua, lãnh đạo và toàn thể cán bộ-giảng viên, SV của 6 Khoa càng ý thức sâu sắc về những khó khăn, thách thức to lớn hơn trong thời gian tới.

Điều đầu tiên, vẫn cần tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy theo cách tiếp cận hiện đại nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Hướng tới kiểm định tất cả các chương trình đào tạo theo chuẩn AUN hoặc chuẩn của các nước tiên tiến.

Sản phẩm đào tạo của ngành Xây dựng phải thực sự mang tính cạnh tranh cao trong xu thế hòa nhập với thị trường lao động Đông Nam Á và khối TPP; cần đa dạng hơn nữa các ngành nghề và loại hình đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của xã hội, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng hòa nhập hiện đại, nghiên cứu khoa học gắn liền với nhu cầu xã hội thông quá các hợp đồng với doanh nghiệp. Đặc biệt, tiếp tục chú trọng công bố khoa học trong các tạp chí thuộc danh mục ISI, SCI, góp phần nâng cao vị thế của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho Khoa Xây dựng Cầu đường, ĐH Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng với thành tích “Xuất sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng Cầu đường cho Đà Nẵng giai đoạn 1986 – 2016”.

-Ảnh: T.N

GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng gửi gắm:

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng thành lập năm 1975 ngay sau khi thống nhất đất nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà trường đã xác định sứ mạng to lớn của mình trong giai đoạn này là đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật kịp thời phục vụ công cuốc tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Bằng những nỗ lực vượt bậc, sau một năm, với bộn bề công việc cho sự ổn định các khoa đầu tiên, Lãnh đạo Nhà trường đã quyết định thành lập Khoa Xây dựng vào năm 1976. Đây là quyết định hết sức đúng đắn và cần thiết, có tính lịch sử cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế xã hội cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên sau ngày giải phóng.

Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp trao Bằng khen Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng) với thành tích “Đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Khánh Hòa”.

Ông Lê Đức Vinh là Cựu SV (khóa X1, 1983 của Khoa Xây dựng ĐH Bách Khoa Đà Nẵng).

-Ảnh: T.N.

Thành tựu 40 năm xây dựng và phát triển của ngành Xây dựng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng là vô cùng to lớn và đáng tự hào, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đào tạo và phát triển của trường Đại học Bách khoa. Với quy mô, hình thức và ngành nghề đào tạo đa dạng, sau 40 năm, các khoa Xây dựng đã đào tạo và luôn kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên cả nước.

Trong xu thế cạnh tranh dựa trên chất lượng và khả năng hội nhập quốc tế hiện nay, với những thành tựu vững chắc đã tích lũy được sau 40 năm, các khoa thuộc nhóm ngành Xây dựng của trường Đại học Bách khoa tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng hội nhập quốc tế, sớm hoàn thành việc đánh giá và kiểm định các chương trình đào tạo theo lộ trình đã đề ra, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển trường ĐH Bách khoa trở thành ĐH định hướng nghiên cứu, địa chỉ cung ứng nguồn nhân lực tin cậy của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

SV Xây dựng ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng trong ngày hội Kỷ niệm 40 thành lập Ngành.
 -Ảnh: T.N

T.Ngọc thực hiện

(Theo Tạp chí điện tử của sở Thông tin & Truyền Thông TP. Đà Nẵng)

latest articles

explore more