33 C
Turan
HomeThông báo giáo vụTiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững hạ tầng giao...

Tiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững hạ tầng giao thông

Xây Dựng 17/09/2016 22:48 GMT+7

Sáng 17/9, trường Đại học Bách Khoa (ĐHBK) Đà Nẵng chính thức khai mạc Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hạ tầng giao thông với phát triển bền vững lần thứ 2- TISDC 2016”.

a

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, các Hiệp hội kỹ thuật chuyên ngành và các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, xây dựng công trình giao thông đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp…

Tiếp nối thành công của hội thảo lần thứ nhất (TISDV-2013), hội thảo khoa học lần thứ 2 đã nhận được hơn 100 bài báo khoa học của nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học trên cả nước và quốc tế. Sau khi tiến hành phản biện, Ban tổ chức đã chọn được 90 bài báo cáo khoa học tiêu biểu đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau như quy hoạch, tổ chức giao thông, công nghệ vật liệu, cơ học công trình, cơ học nền mặt đường… đồng thời chọn ra 57 báo cáo tiêu biểu để báo cáo tại 05 tiểu ban.

b

Chia sẻ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ.

Có thể nói cơ sở hạ tầng giao thông là xương sống của nền kinh tế. Xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Trong những năm gần đây hạ tầng giao thông của Việt Nam có những bước phát triển đáng ghi nhận, đã đưa kinh tế của đất nước phát triển lên một bước mới.

Song sự phát triển đó cũng đã đặt ra nhiều thách thức: Làm thế nào để xây dựng một mạng lưới hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, có tính kết nối, đảm bảo sự làm việc ổn định, bền vững và không ảnh hưởng đến điều kiện môi trường? Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước luôn quan tâm.

Nói về hạ tầng giao thông, đại diện cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo, PGS. TS. Lê Cung, Phó Hiệu trưởng trường ĐHBK Đà Nẵng cho rằng: Chúng ta đã đạt được nhiều thành công nhưng bên cạnh đó cũng phải trả giá không ít cho những bất cập, khiếm khuyết. Làm thế nào để hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, đồng thời đảm bảo tính bền vững cả về không gian lẫn thời gian, đảm bảo tính đồng bộ, hoàn chỉnh, hợp lý và làm việc có hiệu quả, luôn là câu hỏi đặt ra không dễ dàng cho tất cả chúng ta.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong những năm qua thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm. Những công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mới, áp dụng các công nghệ tiên tiến như cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Nguyễn Tri Phương, đường vành đai phía Nam, nút giao thông khác mức Ngã 3 Huế… đã kết nối các khu vực của thành phố thành một thể liên hoàn, thống nhất; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Có thể nói, hạ tầng giao thông chính là một trong những niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Cùng với sự phát triển nhanh về giao thông đi lại, trong những năm gần đây cũng đã đặt ra nhiều thách thức cho lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng.

Để đạt được sự phát triển bền vững về hạ tầng giao thông, đòi hỏi cần có các nghiên cứu, tìm ra những giải pháp tối ưu về kinh tế – kỹ thuật, thân thiện, gắn kết chặt chẽ với môi trường. Những quyết định đầu tư đúng đắn về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp thiết kế và xây dựng ít ảnh hưởng nhất đến môi trường tự nhiên là việc làm cần thiết.

Các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường sử dụng trong giao thông được trưng bày tại Hội thảo.

Trước những thách thức trong lĩnh vực xây dựng giao thông hiện nay, ĐHBK Đà Nẵng đã đứng ra tổ chức Hội thảo khoa học này nhằm kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trong nước và quốc tế gặp gỡ, chia sẻ các kinh nghiệm, trình bày các kết quả nghiên cứu, các ứng dụng và giải pháp công nghệ mới có thể giải quyết được những thách thức trong lĩnh vực hiện nay. Do đó rất cần có sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Từ những đóng góp này mới xây dựng được một chiến lược phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo tính đồng bộ, hoàn chỉnh, hợp lý, bền vững cả về không gian lẫn thời gian, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

Ngọc Long

Theo Xây dựng

latest articles

explore more